Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Hôm nay tôi muốn giới thiệu một tác phẩm của nhà văn với cái tên không quá xa lạ đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Tôi chắc hẳn mỗi người đều đã từng đọc qua vài tác phẩm của ông. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là tác phẩm truyện dài của ông và được xem là một trong những sáng tác thành công nhất, được nhận Giải thưởng Văn học ASEAN của năm 2010. Tác phẩm gồm những câu chuyện nhỏ xoay xung quanh 4 đứa trẻ trong cùng một khu xóm là con Tủn, con Tí sún, thằng Hải cò và thằng cu Mùi. Tác phẩm gồm 12 chương, mỗi chương là một câu chuyện thú vị.
Tất cả mọi điều được viết trong cuốn sách hẳn ai cũng nhìn thấy mình trong đó, bởi tác giả đã nói “tôi không viết cuốn sách này cho trẻ em, tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Ai cũng đã từng đi qua quãng đường tuổi thơ, đều có những ngây ngô trong sáng mà do cuộc sống bộn bề chúng ta hẳn đã quên đi. Nguyễn Nhật Ánh đã làm công việc ghi chép lại và nhắc nhớ chúng ta về một tuổi thơ từng hồn nhiên như thế bằng một giọng văn hết sức trong trẻo và hài hước. Tôi tâm đắc nhất với chương 3: Đặt tên cho cả thế giới. Vì tôi tìm thấy hình ảnh của mình trong đó, tôi cũng đã từng đảo lộn cả thế giới này bằng chính những cái tên do tụi tôi nghĩ ra, tại sao tôi phải gọi tên mọi vật theo cách người lớn vẫn gọi, tôi có thể gọi theo cách của riêng tôi được mà. Quyển sách nhắc nhớ cho tôi về một khoảng thời gian êm đềm mà tôi đã hạnh phúc biết nhường nào.
Hãy đọc cuốn sách để bạn biết thế giới người lớn đã từng khác xa thế giới trẻ thơ như thế nào. Cuốn sách như một sự kết nối giữa hai thế giới ấy. Và khi đọc rồi bạn sẽ thấy thêm một sự khác biệt, sự khác biệt giữa người đã đọc cuốn sách và người chưa từng đọc nó.
KHÁNH LINH